Số lượng người dùng không còn nhiều, trong khi chất lượng không bằng 4G nên công nghệ mạng 3G có thể được xem xét dừng.
Mạng 3G được cấp phép thí điểm ở Việt Nam từ năm 2009, trải qua 14 năm hoạt động, đến nay phần lớn người dùng đã từ bỏ và chuyển sang sử dụng công nghệ 4G với chất lượng sóng và tốc độ tốt hơn, độ phủ tới 99% dân số. Chia sẻ tại một sự kiện mới đây tại Hà Nội, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho biết "sẽ xem xét để dừng mạng 3G trong 1 - 2 năm tới đây".
"Chủ trương tắt sóng 2G, tiến tới dừng mạng 3G sẽ là nội dung quan trọng trong kế hoạch từ 2023 tới 2026. Khi tắt 2G, 3G, chúng ta còn 4G, là công nghệ đang cung cấp dịch vụ truy cập internet tốt, đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người sử dụng", ông Nhã nhấn mạnh.
Mạng 3G không thành công và có thể sớm bị thay thế hoàn toàn bởi 4G
Chụp màn hình
Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới khi chuẩn bị tắt mạng 2G (từ tháng 9.2024) và tiến tới là mạng 3G để nhường băng tần cho các công nghệ mới hơn. Tại Mỹ, các nhà mạng đã tắt 2G từ 2017 và tiến hành cắt 3G ở cả 3 doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2022. Ở châu Âu, nhiều nhà mạng thậm chí còn tiến hành tắt sóng 3G trước 2G do công nghệ cũ vẫn phục vụ kết nối M2M (máy tới máy), các tổng đài, số khẩn cấp, đo kiểm dịch vụ nên chưa thể dừng ngay.
"Mạng 3G sinh ra để dùng cho data (dữ liệu kết nối internet), nhưng không thành công. Nhưng 4G lại rất thành công về data, nên họ muốn loại 3G ra khỏi mạng", nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền Thông) Đoàn Quang Hoan nói.
Ở Việt Nam, một số nhà mạng Việt Nam đã tắt dần trạm thu phát sóng (BTS) 3G tại các khu vực có nhu cầu thấp, kích thích người dùng chuyển sang 4G. Ông Nguyễn Trọng Tính - Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết thuê bao 3G trên hệ thống của đơn vị hiện nay còn khoảng 2%, sau khi khách hàng đã chuyển gần hết sang sử dụng 4G.
Việc tắt sóng 2G, 3G giúp các nhà mạng tiết kiệm được nhiều chi phí vận hành, bảo trì bảo dưỡng, đồng thời có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho công nghệ mạng 4G, 5G và sau này là 6G. Theo báo cáo của GSMA, tính đến giữa năm 2023, trên thế giới đã có 149 nhà mạng đã và đang triển khai kế hoạch tắt sóng cũ. Trong đó, đa số quốc gia tiên tiến chọn cách tắt 2G với tỷ lệ 63% ở châu Âu, hơn 20% tại châu Á.
Tắt 2G, 3G đồng thời giải phóng "băng tần vàng" 900 MHz để sử dụng cho mạng 4G, 5G. Nhiều quốc gia phát triển xem đây là tài nguyên vô cùng quý giá do sở hữu lợi thế vùng phủ rộng hơn, từ đó giảm được khoảng một nửa số trạm so với băng tần 1.800 MHz trong khi vẫn cung cấp độ phủ sóng tương đương mà lại có chất lượng mạng tốt hơn.
Với việc tắt sóng 2G và tiến tới dừng công nghệ mạng 3G, Việt Nam sẽ còn lại mạng 4G, 5G. Trong khi 4G đã ổn định và được người dùng chấp nhận rộng rãi, đến nay thế hệ mạng thứ 5 vẫn ở hình thức thử nghiệm, chưa thương mại hóa dù từ tháng 5.2019, Việt Nam ghi tên mình vào nhóm các nước đầu tiên thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G.
Cuối năm 2021, Việt Nam từng đặt mục tiêu thương mại hóa mạng 5G trong năm 2022, nhằm thúc đẩy người dân dùng smartphone và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5% cho kế hoạch tắt sóng công nghệ mạng viễn thông lâu đời này trên cả nước. Chính phủ cũng đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào 2025. Nhưng khi chỉ còn hơn 20 ngày nữa sẽ kết thúc năm 2023, kế hoạch và mục tiêu trên vẫn chưa được hiện thực hóa.
Anh Quân - Nguồn Báo Thanh Niên