GIA LAI Nông dân ở thị trấn Đăk Pơ ghép chanh dây với gốc lạc tiên (mọc tự nhiên) giúp cây khoẻ mạnh, ít sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, chăm sóc.
Trưa đầu tháng 5, ông Trịnh Thái Sơn (53 tuổi) vừa tưới vườn chanh dây 500 gốc của mình ở tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Pơ, vừa tranh thủ hái những quả chanh chín đầu mùa. Đây là vụ thứ ba ông Sơn trồng chanh dây ghép với gốc lạc tiên - hay còn gọi cây nhãn lồng, lồng đèn, hồng tiên... (tên khoa học Passiflora foetida L).
Gốc lạc tiên ghép với chanh dây giúp cây trồng khoẻ mạnh, giảm bệnh tật. Ảnh: Ngọc Oanh
Lạc tiên là loại dây mọc leo, thân mềm, xuất hiện khắp cả nước. Nó có thể sống và sinh trưởng tốt ở vùng khô hạn hoặc đất đai cằn cỗi. Nhờ vào những đặc tính vượt trội đó, sáu tháng trước, ông Sơn lên núi lấy hạt cây lạc tiên chín, ngâm, ủ, ươm trong bầu, sau đó mang ra vườn trồng. Khoảng hai tháng, khi lạc tiên cao 40-60 cm, ông cắt ngọn và ghép một mắt chanh dây (cùng họ).
"Cách làm này tôi được người đàn ông ở thị xã An Khê chỉ", ông Sơn nói và cho biết nhờ bộ rễ lạc tiên khoẻ mạnh nên vườn chanh dây của ông đang phát triển tốt, thân mập mạp, lá xanh sum suê, quả sai và bóng bẩy. Đặc biệt, cây ít sâu bệnh, thời gian thu hoạch được kéo dài (khoảng hai năm).
Ông Sơn dự tính vườn chanh leo của mình năm nay thu được hơn 25 tấn, trong đó khoảng 50-70 % chanh đạt chất lượng, xuất sang châu Âu. Hai mùa vụ trước, nhờ thị trường ổn định, mỗi vụ ông lãi hơn 300 triệu đồng. Tuy hiệu quả, song cách ghép này chưa được nhiều người biết đến do phương pháp ủ để hạt lạc tiên lên mầm khó và cần thêm thời gian gieo trồng.
Theo kinh nghiệm 20 năm làm nông nghiệp, ông Sơn chia sẻ, nếu trồng thuần chanh dây, cây dễ bị sâu bệnh, nhất là phần gốc thường bị nấm Phytophthora, chậm phòng trừ nấm sẽ lây lan làm chết cả khu vườn. Vì vậy mỗi tháng hai lần nông dân phải mua thuốc quét ở gốc, vừa tốn chi phí vừa tốn công. Bên cạnh đó, phân, nước phải luôn đảm bảo.
Ông Sơn bên vườn chanh leo ghép lạc tiên trĩu quả của mình. Ảnh: Ngọc Oanh
Cách vườn ông Sơn khoảng 500 m, khu đất cằn rộng hơn một ha của ông Lê Văn Thương (52 tuổi) được phủ màu xanh mướt. Dưới cái nắng rát mặt ở vùng đất phía đông Gia Lai, vợ chồng ông Thương vẫn cần mẫn chăm sóc, tưới cây, làm cỏ, tỉa cành, cột giàn vườn chanh leo hơn 1.000 gốc của mình.
Cả hai làm quần quật cả ngày, song họ không không cảm thấy mệt vì thấy vườn chanh của mình xanh tốt, sắp cho thu hoạch. Mới năm ngoái, khu đất này ông Thương trồng ớt, rau, củ, nhưng giá cả những loại cây trồng này bấp bênh, nên vợ chồng quyết định chuyển sang trồng chanh dây.
Họ mua 300 cây giống chanh dây (9 triệu đồng) trồng thử, vài tháng sau, khi chanh bắt đầu leo giàn, một vài gốc xuất hiện nấm bệnh làm thối rễ, thân, và cuối cùng đến lá. Ông Thương mua thuốc phun và bôi từng gốc chanh, nhưng dịch bệnh vẫn lan nhanh ra khắp khu rẫy, làm 200 gốc chanh bị chết.
May mắn được người quen giới thiệu, ông Thương phá bỏ những cây chanh dây bị héo rũ, ươm và trồng thay thế hàng trăm cây lạc tiên. Sau hai tháng, ông cắt mắt chanh dây ghép vào gốc loài cây mọc hoang dã. Đến nay cả khu vườn đã có trên 1.000 cây chanh ghép.
"Hai tháng nữa là thu hoạch, nhiều cây đã đậu quả", ông Thương vui mừng nói và mong muốn nhiều nông dân khác biết đến phương pháp này. Bởi theo ông, cây lạc tiên mọc khắp nơi, ở trên núi, bờ rẫy, thậm chí sát vách nhà, người trồng chỉ cần lấy hạt và ươm, sau đó lấy mắt (từ vài chục cây chanh dây mẹ) ghép vào, giảm chi phí giống. Ngoài ra, tiền đầu tư phân, nước cũng giảm một nửa so với trồng giống chanh dây thuần.
Vườn chanh leo ghép với cây lạc tiên. Ảnh: Ngọc Oanh
Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Pơ cho biết, ghép chanh dây với cây lạc tiên giúp cây trồng đỡ nấm bệnh, và chi phí đầu tư, song rất ít nông dân trên địa bàn trồng bằng phương pháp này. Lý do chỉ có vài người biết được kỹ thuật ủ cho hạt lạc tiên nảy mầm.
Theo ông Hiệp, nông dân huyện Đăk Pơ chủ yếu trồng mía và cây ngắn ngày, diện tích chanh dây chỉ khoảng 6 ha. Sắp tới huyện sẽ rà soát, tuyên truyền, nhân rộng mô hình chanh leo ghép lạc tiên.
Chanh dây (còn gọi là chanh leo) nguồn gốc từ Nam Mỹ, nhưng hiện được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, loài cây này trồng nhiều ở Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Cần Thơ... Có nhiều giống chanh dây khác nhau, trong đó các giống màu tím và vàng phổ biến nhất.
Cây có lớp vỏ cứng, bao bọc một lớp hạt bên trong, trái cho nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, vitamin C, A. Vụ năm ngoái, chanh dây được thu mua để xuất khẩu với giá 35.000-40.000 đồng/kg trái lớn, 8.000-10.000 đồng/kg trái nhỏ, giúp nhiều nông dân thắng lớn.
Ngọc Oanh