Hàng nghìn vườn nho và doanh nghiệp công nghệ tại Mỹ đột ngột bị siết tài chính khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ.
13h ngày 9/3, khi đang họp, Stefan Kalb - CEO hãng quản lý thực phẩm Shelf Engine (Seattle) nhận được tin nhắn từ giám đốc một công ty khác: "Anh có biết chuyện gì đang xảy ra ở Silicon Valley Bank (SVB) không?". Cổ phiếu công ty mẹ của SVB – SVB Financial Group – hôm đó mất giá 60% sau thông tin họ bán lỗ trái phiếu và muốn huy động thêm hơn 2 tỷ USD. Hàng loạt doanh nghiệp vì thế muốn rút tiền khỏi SVB.
Với Shelf Engine - công ty 40 nhân sự ra đời vào 2015, sự cố của SVB là một vấn đề lớn. Ngân hàng này không chỉ giúp công ty anh thanh toán các hoạt động mà còn giữ tất cả tiền mặt của họ.
Kalb và đội ngũ lập tức mở tài khoản tại JPMorgan Chase để chuyển tiền khỏi SVB. Sáng 10/3, họ thức dậy với hy vọng tiền vào tài khoản JPMorgan, nhưng điều này đã không xảy ra. SVB đã bị giới chức California đóng cửa, giao cho Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) quản lý tài sản.
Kalb không tiết lộ số tiền đang để ở SVB. Anh chỉ cho biết Shelf Engine đã huy động được hơn 60 triệu USD từ các nhà đầu tư. "Đó là một khoản tiền rất lớn", anh nói.
Khách hàng tụ tập bên ngoài trụ sở SVB ở Santa Clara, California, Mỹ ngày 10/3. Ảnh: Reuters
Thành lập năm 1983, khách hàng của SVB chủ yếu là các startup. SVB cung cấp dịch vụ cho gần một nửa số công ty khởi nghiệp công nghệ của Mỹ, theo tạp chí NPR. Các startup gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD tại đây để điều hành công ty và trả lương nhân viên.
SVB làm ăn với các công ty công nghệ nổi tiếng như Shopify, Pinterest, Fitbit và hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ hơn. Sự sụp đổi của SVB vì thế mang đến hàng loạt hệ lụy cho các startup Mỹ.
Tác động ngay lập tức là các startup gửi tiền tại SVB không thể thực hiện các khoản thanh toán và trả lương nhân viên. FDIC cho biết những người gửi tiền có bảo hiểm sẽ được tiếp cận tiền của họ muộn nhất là 13/3. Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ dành cho khách hàng sử dụng hàng ngày và gửi tối đa 250.000 USD. Vì vậy, muốn tiếp cận tiền của mình, hầu hết doanh nghiệp sẽ phải chờ FDIC bán tài sản của SVB.
Sáng thứ sáu (10/3), chi nhánh SVB trên đường Sand Hill ở Thung lũng Silicon đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, các khách hàng gồm nhiều nhà sáng lập startup đã gõ cửa và kiên nhẫn chờ đợi. Thỉnh thoảng, một đại diện của FDIC xuất hiện và nói chuyện riêng với các nhóm nhỏ hoặc từng người.
Nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp máy bay không người lái, cho biết lệnh rút tiền vào hôm 9/3 vẫn chưa thực hiện được. Cô lo lắng về việc trả lương cho 12 nhân viên và đã thử gọi FDIC nhiều lần. "Không ai nhấc máy", cô nói.
Ripple - nhà cung cấp dịch vụ tính lương, thông báo với khách hàng rằng một số giao dịch thanh toán sẽ bị đình trệ vì SVB là ngân hàng xử lý việc này cho công ty. Bản thân Ripple cũng là công ty khởi nghiệp. "Công ty vẫn đang cố gắng tìm hiểu sự sụp đổ của SVB sẽ gây ra tác động thế nào", CEO Ripple Parker Conrad cho biết.
Sarika Bajaj, Giám đốc điều hành Refiberd, cho biết startup của cô để phần lớn tiền ở SVB trong 3 năm qua. Cô đã có mặt ở chi nhánh SVB trên đường Sand Hill ở California hôm 10/2 để cố gắng rút tiền nhưng bất thành.
Brad Hargreaves, Nhà sáng lập các startup như Common và General Assembly dự báo một số công ty khởi nghiệp có thể sẽ không thể chi trả lương được trong tuần tới. "Hãy chờ thông báo sa thải hàng loạt vào cuối ngày hôm nay, chậm nhất là thứ Hai (13/3)", ông nói hôm 11/3.
Không chỉ các công ty ở Thung lũng Silicon, các vườn nho ở Bắc California cũng lao đao. SVB là tổ chức cho vay nổi bật trong lĩnh vực này, chủ yếu là các vườn ở Napa và St. Helena. Kể từ khi thành lập bộ phận chuyên cho vay các vườn nho cách đây gần 30 năm, SVB đã giải ngân hơn 4 tỷ USD cho khách hàng ngành này, theo thông tin trên website.
Con số này khá nhỏ, chỉ chiếm 5% danh mục cho vay của ngân hàng cuối năm ngoái. Tuy nhiên, số khách vay cũng lên tới 400. Hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu vang khác hiện cũng không thể tiếp cận tài khoản tại đây, theo San Francisco Chronicle.
Trong hơn 20 năm qua, SVB là đối tác của CADE Estate Winery - một công ty tại Thung lũng Napa với 4 cơ sở sản xuất rượu vang và nhiều vườn nho. Trong vụ cháy rừng năm 2020 thiêu rụi hàng trăm km2 tại Napa, nhà sáng lập CADE John Conover cho biết SVB vẫn "linh hoạt" cho vay kể cả khi công ty ông phải giảm sản xuất. "Họ là đối tác tốt của chúng tôi", ông nói.
Conover cho biết CADE "có khoản vay lớn" tại SVB. Đến ngày 11/3, tài khoản thanh toán của họ "đã bị khóa". "Tôi chưa trải qua việc này bao giờ", ông nói.
Dù vậy, Conover hiện vẫn có thể trả lương cho nhân viên. Nhiều năm kinh nghiệm trong ngành vốn nhiều biến động đã giúp Conover không hoảng loạn trong tình hình này. "Không có lý do gì để hoảng loạn cả. Chúng tôi sẽ vượt qua", ông nói.
Kendra Kawala - đồng sáng lập Maker Wines tại Bay Area cho biết trên San Francisco Chronicle rằng dù vẫn có thể trả lương cho nhân viên, việc SVB đóng cửa khiến cô lo lắng về sức khỏe tài chính nói chung của ngành này.
Theo ghi nhận của Bloomberg, CEO một số công ty có tiền bị mắc kẹt tại SVB đang lên kế hoạch sử dụng tài sản cá nhân để trả lương cho nhân viên. Số khác cân nhắc sa thải hoặc tạm cho nhân viên nghỉ việc. Họ đang ráo riết thảo luận với luật sư để đưa ra quyết định.
Một số nhà đầu tư mạo hiểm thì đang chạy đua để hỗ trợ thành lập các quỹ tiền mặt tạm thời giúp các công ty khởi nghiệp bị ảnh hưởng trả lương vào tuần tới. Hôm 10/3, Spark Capital đưa danh sách các công ty trong danh mục đầu tư cần được hỗ trợ cho Liquidity Capital MC - một công ty Spark có đầu tư. Liquidity sẽ cung cấp tài chính trong vòng 24 giờ cho các doanh nghiệp này.
Dù vậy, tác động dài hạn với giới startup Mỹ có thể còn lớn hơn. Các công ty khởi nghiệp công nghệ từ nhiều thập kỷ nay đã phụ thuộc lớn vào SVB. Stefan Kalb nói rằng nếu là một công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh, họ không thể vay tiền hay mở thẻ tín dụng từ ngân hàng lớn. "Đó là những dịch vụ mà các công ty khởi nghiệp không thể tiếp cận", anh nói.
Garry Tan việc SVB sụp đổ xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất đối với hệ sinh thái khởi nghiệp. Lãi suất cao và kinh tế bất ổn đã khiến các nhà băng thắt chặt cho vay.
Gần đây, các doanh nhân đã cảnh báo về tiền mặt đang bốc hơi nhanh chóng. Việc này buộc hàng ngàn công ty khởi nghiệp phải sa thải nhân viên hoặc đóng cửa hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, sự sụp đổ của SVB càng khiến tương lai thêm u ám.
Giới đầu tư có thể sẽ càng e dè với các công ty công nghệ. Cổ phiếu của Rocket Lab USA đã giảm sau khi xác nhận có khoảng 38 triệu USD tại SVB.
"Nếu SVB, trụ cột 40 năm qua của hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể biến mất sau 36 giờ, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đó là chúng ta bắt đầu quá trình xuống đáy", Rick Heitzmann, Nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm FirstMark Capital, bình luận.
Phiên An (theo Bloomberg, WSJ, NPR)