TP.HCM Tăng năng suất, nâng lương tối thiểu vùng, trang bị kỹ năng thương lượng cho người lao động... là những giải pháp giúp công nhân nâng cao thu nhập.
Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), cho hay 13 năm qua, nhà máy luôn đặt mục tiêu năng suất năm sau phải cao hơn năm trước 5%. Để đạt được, nhiệm vụ của đội ngũ kỹ sư phải cải tiến quy trình để tăng hiệu suất sản xuất lên ít nhất 5%, hạn chế tối đa "thời gian chết" ở các khâu.
Công nhân nhà máy Datalogic trong giờ làm việc. Ảnh: An Phương
Để nâng cao ý thức làm việc của công nhân, nhà máy Datalogic thưởng năng suất, tay nghề. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất 30 dòng sản phẩm, khuyến khích lao động học hỏi, nếu biết thêm một dòng sẽ thêm một bậc phúc lợi, lương cao hơn. Những người liên tục làm hàng lỗi phải chấp nhận hạ bậc, giảm thưởng, nhường vị trí lại cho người khác. Nhà máy cũng tìm đối tác cung nguyên liệu, dịch vụ chất lượng ổn nhưng giá thành thấp nhằm tiết giảm chi phí.
"Khi năng suất tăng lên, chi phí đầu vào giảm nhà máy sẽ có lợi nhuận tốt. Từ đó, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư dành một khoản để tăng lương cho công nhân", ông Phát nói. Tại Datalogic, bắt đầu từ tháng 12/2021, lương căn bản của hơn 850 lao động được nâng lên 7,6%, áp dụng cho cả năm 2022. Với công nhân mới vào, nhà máy đảm bảo lương cứng 7,5 triệu đồng bao gồm phụ cấp, nếu tăng ca, thu nhập sẽ vào khoảng 10 triệu đồng. Lao động có thâm niên lương sẽ cao hơn.
"Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được thu nhập, không chăm sóc tốt cho người lao động, họ sẽ rời bỏ ngay khi có cơ hội tốt hơn", ông Phát nói.
Ở quy mô nhà máy, tăng năng suất lao động, giảm chi phí vật tư, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn để tăng lương cho công nhân. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng chủ động bởi hơn 90% doanh nghiệp xây dựng lương căn bản chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng 5-10%. Vì vậy, để có được mặt bằng lương tốt hơn cho đa số lao động, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần sớm thực hiện.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhận định tiền lương tối thiểu, phụ cấp của công nhân mới đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống. Ở cấp Tổng liên đoàn, trong phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sắp tới, công đoàn tiếp tục kiến nghị các bên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng sau hai năm liên tiếp chưa điều chỉnh.
Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, giờ tan ca, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Ngoài ra, để giải quyết bài toán lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt công nhân, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho rằng cách thức xác định mức lương tối thiểu vùng hiện nay cần phải đổi mới, nhất là việc chọn rổ hàng hoá, xác định lại các nhóm chi phí.
Lương tối thiểu cần thiết phải có sự tham gia sâu hơn nữa của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, đề xuất mức trả phù hợp thực tế về giá cả, đời sống, môi trường, điều kiện lao động, nhất là đảm bảo công nhân đủ sống, tái tạo sức lao động.
Theo ông Đô, nếu năm nay khó khăn, đa số người lao động sẽ chọn mì tôm, trứng, các thực phẩm rẻ tiền, giá thấp cho các bữa ăn của mình. Nếu "rổ hàng hóa" căn cứ vào nhóm này, mức lương để đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động không đúng bản chất. Lương tối thiểu phải được tính toán theo giá thịt heo, bò, gà... mà một gia đình công nhân đáng lẽ sẽ mua nếu đủ tiền, đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng.
"Một khoản thu nhập không đủ để công nhân tái tạo sức lao động ở mức tối thiểu thì chưa thể gọi là lương", ông Đô nói.
TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, cho rằng pháp luật khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cao hơn mức tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty luôn tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận, các chi phí sẽ được đẩy về mức thấp nhất. Cho nên muốn công nhân có lương đủ sống rất cần vai trò thương lượng của công đoàn các cấp.
Nữ tiến sĩ nhận định mỗi lao động không thể mặc cả được mức lương như bản thân mong muốn. Tuy nhiên, ở trong tập thể, họ có sức mạnh để cùng thương lượng với giới chủ. Bà Chi ví dụ cuộc thương lượng về tăng phụ cấp ở một nhà máy đông công nhân nhất nhì Đồng Nai trước đây. Ban đầu, đề xuất của chủ tịch công đoàn bị ban giám đốc bác bỏ. Song khi ban chấp hành công đoàn lấy ý kiến, thu nhập chữ ký mấy chục nghìn công nhân, lập tức công ty phải nhượng bộ.
"Khi các phương án đã sử dụng nhưng không hiệu quả, công nhân sẽ chọn ngừng việc", bà Chi nói và cho rằng ngừng việc là một dạng thức của thương lượng tập thể, dù không ai mong muốn, nhưng là giải pháp cuối cùng công nhân sử dụng khi đòi tăng lương. Người lao động liên kết nhau, tạo ra áp lực với giới chủ, thu hút dư luận, cơ quan công quyền về phía họ.
Ghi nhận của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, từ năm 1995 đến nay, 96% cuộc ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương của công nhân đều thành công. Nhà máy phải chấp nhận toàn bộ hoặc một phần các yêu cầu của người lao động.
"Dù sử dụng cách nào thì với công nhân, sức mạnh tập thể chính là công cụ để có cuộc mặc cả thành công", TS Chi đánh giá. Đặc biệt giai đoạn này thị trường thiếu lao động phổ thông, công nhân đang có vị thế tốt nhất và đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn thương lượng tăng lương.
Đại diện công đoàn nhà máy Changshin Việt Nam ở Đồng Nai (bên phải) ký biên bản thỏa thuận về tiền lương, thưởng Tết năm 2022. Ảnh: An Phương
Trước đó, vấn đề thu nhập của người lao động không đủ sống, điều chỉnh lương tối thiểu vùng cũng được Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập trong phần trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11/2021.
Theo Bộ trưởng Dung, điểm mới là tiền lương được xác định trên cơ sở giá cả sức lao động, trên nguyên tắc thị trường, có sự can thiệp ở mức cho phép của nhà nước. Đề cao vai trò tự chủ của người lao động, doanh nghiệp và chủ sử dụng quyết định thang bảng lương, nhà nước không quyết định.
Người lao động và giới chủ thỏa thuận lương trên căn cứ phát triển, thu nhập phúc lợi của công nhân, mức lương tối thiểu vùng. Đó là mức sàn tối thiểu nhà nước đặt ra, buộc đơn vị sử dụng lao động không được đưa mức thấp hơn. Người lao động có quyền chấp nhận hoặc không khi thỏa thuận chưa đạt yêu cầu.
"Chúng tôi hiểu người lao động ở thế yếu nên sẽ nâng cao vai trò ba bên là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện giới chủ, Tổng liên đoàn lao động. Việc điều chỉnh mức lương dựa trên mức độ tăng năng suất, khả năng chi trả, mức tăng giá cả, thỏa thuận hai bên", lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Lê Tuyết