Trước tín hiệu ấm lên của ngành du lịch, các doanh nghiệp trăn trở tìm cách thu hút, giữ chân nhân lực. Hầu hết đều cố gắng đảm bảo nhân sự phục vụ giai đoạn mùa hè đầy sôi động.
Hai năm qua chứng kiến sự khó khăn chưa từng thấy của ngành du lịch trong nước với 96% doanh nghiệp phải ngừng hoặc tạm dừng hoạt động, theo thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh này, một số lượng lớn nhân sự ngành cũng rơi vào cảnh mất việc làm, chật vật tìm định hướng mới để mưu sinh.
Trong số đó, không ít hướng dẫn viên du lịch buộc phải chạy xe ôm, làm shipper hoặc bán hàng online nhằm kiếm thêm thu nhập. Số ít khác lại đi dạy ngoại ngữ, chuyển sang dẫn tour online… Tất cả đều làm việc trong tâm trạng chờ đợi cơ hội quay trở lại với nghề.
Hiện tại, thị trường có dấu hiệu ấm dần lên với sự ghi nhận làn sóng du lịch nội địa đang lan rộng, đặc biệt sau giai đoạn Tết Nguyên đán. Đây chính là thời điểm các doanh nghiệp thể hiện kết quả bài toán nhân sự mà mình cân đối suốt thời gian qua.
Do dịch bệnh, nhiều hướng dẫn viên, nhân viên ngành du lịch mất việc. Họ dành chăn nuôi gia cầm, làm shipper hoặc mở quán ăn để kiếm sống. Ảnh: Thạch Thảo.
Níu nhân sự
Trả lời Zing, bà Mai Thúy Hằng, Phó TGĐ Sun Group cho biết trong năm 2021, các công trình khách sạn, resort, khu du lịch, sân bay, cảng biển… của tập đoàn phải tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh, dẫn đến tình trạng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Tính riêng Bà Nà Hills (Đà Nẵng), doanh thu hai năm qua giảm tới 96% so với năm 2019.
Đây là thách thức rất lớn đối với cấp quản lý trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 11.000 cán bộ nhân viên (CBNV) trên cả nước cũng như để vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng.
"Hai năm vừa qua là giai đoạn khó khăn không chỉ của riêng chúng tôi mà còn của tất cả doanh nghiệp du lịch. Nguồn thu gần như không có, nguồn chi cho các khoản vận hành lại rất lớn, tôi biết nhiều doanh nghiệp đã không thể giữ chân nhân viên của mình", bà Hằng nói.
Khi các lệnh giãn cách dần được dỡ bỏ, thị trường du lịch dần ấm lên với những dấu hiệu tích cực. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Theo bà Hằng, kinh nghiệm đối phó với Covid-19 cho thấy sau mỗi đợt dịch, nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước đều tăng cao đột biến. Việc giữ chân người lao động là cách để chuẩn bị kỹ càng cho ngày trở lại.
"Trong gần một năm ngưng đón khách, chúng tôi không dám cắt giảm nhân sự, vẫn phải đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho từng người. Có những nhân sự buộc phải tạm dừng công việc do dịch, chúng tôi sắp xếp họ làm việc đan xen với các vị trí khác nhằm tạo điều kiện đi làm luân phiên.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên tục tổ chức các lớp đào tạo giúp nhân viên của mình rèn luyện, nâng cao chuyên môn. Việc giữ gìn nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng giúp chúng tôi đáp ứng sự phục hồi nhanh chóng của thị trường du lịch sau dịch", bà cho biết thêm.
Vừa đi vào hoạt động từ tháng 5/2021, sau 2 tháng, resort New World Phú Quốc cũng phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh.
Theo bà Vũ Thu Thủy, quản lý marketing và truyền thông, khu nghỉ dưỡng đã tính đến trường hợp này khi quyết định khai trương trong dịch. Đối với bài toán nhân sự, New World quyết giữ chân người lao động và cho đây là cách đón đầu, nâng cao sức cạnh tranh của mình khi thị trường du lịch mở cửa trở lại.
"Thời gian 'đóng băng', đội ngũ nhân viên của chúng tôi vẫn làm việc. Mọi người tận dụng thời gian này để trang bị cho mình năng lực và dịch vụ tốt hơn. Để giữ chân người lao động, cấp quản lý chuẩn bị nhà ở cho gần 300 nhân sự, đồng thời đảm bảo cả về tiện nghi sinh hoạt và an ninh. Chúng tôi cũng cố gắng cung cấp thêm chế độ xe đưa đón nhân viên mỗi ngày và phục vụ 3 bữa cơm/ngày tại nhà ăn", bà chia sẻ với Zing.
Cạnh tranh nhân viên sau dịch
Đến đầu tháng 11/2021, New World Phú Quốc mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh tại địa phương và trên cả nước được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, resort vẫn gặp tình trạng chung của các cơ sở kinh doanh sau dịch là "rơi rụng" người lao động.
"Thị trường mở cửa trở lại, nhân viên có nhiều sự lựa chọn về công việc hơn, một số mong muốn trở về quê để làm việc gần nhà. Chúng tôi cũng nằm trong sự biến động đó. Để giải quyết và cạnh tranh nhân sự với các đối thủ, cấp quản lý quyết định duy trì phúc lợi tương đương trong dịch, ngoài ra còn dành chế độ vé máy bay khứ hồi về thăm nhà mỗi năm cho các nhân viên, bảo hiểm sức khỏe và các chính sách đặc biệt khác", bà Thuỷ cho hay.
Lượng du khách lớn đổ đến Vũng Tàu vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong khi đó, Sun Group cho biết nhờ sự chuẩn bị từ trong giai đoạn dịch bệnh, các đơn vị khách sạn và khu du lịch thuộc tập đoàn không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng khi mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, công tác tuyển dụng nhân sự vẫn liên tục được triển khai để đáp ứng yêu cầu phát triển, mở rộng.
"Để tuyển dụng được nhân sự tốt, phù hợp, chúng tôi phải đưa ra những chính sách đãi ngộ cạnh tranh và chiến lược nhân sự tốt để thu hút người lao động. Chúng tôi tin rằng bên cạnh đãi ngộ, môi trường làm việc tích cực chính là điểm cộng lớn để chiếm ưu thế trên thị trường tuyển dụng sau dịch", bà Hằng bày tỏ thêm.
Thục Hạnh